4 container hồ tiêu của một doanh nghiệp TP HCM cập cảng Yangon, Myanmart nhưng nhà nhập khẩu không nhận vì giá tiêu thấp hơn so với lúc ký hợp đồng.
Trao đổi với , chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu có trụ sở tại quận 9, TP HCM cho biết từng ký hợp đồng bán 100 tấn tiêu cho công ty Ngwe Galon Min tại Myanmar. Đối tác là một trong những khách hàng lớn và hợp tác với nhau gần 3 năm.
Tại thời điểm ký hợp đồng, giá tiêu vào khoảng 3.200 USD mỗi tấn. Phía đối tác đã đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, nhưng khi hàng đến cảng Yangon thì họ từ chối nhận hàng vì giá tiêu giảm còn 2.700-2.800 USD.
Trong thông tin khuyến cáo về trường hợp này, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, lý do Ngwe Galon Min đưa ra là gặp khó khăn về tài chính. Hải quan Myanmar cũng đưa công ty này vào danh sách theo dõi.
Theo quy định của Myanmar, nếu hàng hóa cập cảng nhưng không làm thủ tục thông quan trong 60 ngày, lô hàng sẽ được đấu giá và sung công quỹ.
“Tôi phải bay qua Myanmar nhiều lần và nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại đây giải quyết để đưa hàng về. Tính theo giá bây giờ, mỗi tấn công ty tôi lỗ 1.200 USD, chưa kể chi phí hải quan, lưu kho… Lô hàng 4 container đã về đến Việt Nam nhưng phát sinh quá nhiều chi phí nên chỉ thu hồi được khoảng 20% giá trị hợp đồng”, chủ doanh nghiệp tại quận 9 cho hay.
Trước đó vào đầu tháng 10, thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cũng nhận được thư của một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nhờ đòi tiền hàng của đối tác tại khu vực này. Cụ thể, doanh nghiệp này đã bán cho công ty có tên GSN International tại Dakar, Senegal một container tiêu đen 40 feet trị giá 61.750 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Hình thức thanh toán là giao chứng từ trả tiền ngay thông qua ngân hàng.
Sau khi giao hàng, người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng gần 2 tháng nay, song không thanh toán. Công ty xuất khẩu Việt Nam đã liên lạc nhiều lần nhưng không được. Ngân hàng bên người bán cũng đã liên lạc với ngân hàng của người mua tại Senegal thì được trả lời là người ký nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại đây. Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã điện thoại trực tiếp cho chủ công ty nhưng ông này nói không có bằng chứng việc công ty Senegal nhập khẩu hàng Việt Nam, sau đó cắt mọi liên lạc.
Phương Đông
Theo Vnexpress