[NIU] – Tâp 10 Làng Hài Mở Hội Mừng Xuân, nghệ sĩ Tô Thiên Kiều tiết lộ với khán giả những câu chuyện vui về hát cúng đình, một loại hình nghệ thuật cổ truyền gắn liền với văn hóa tâm linh mỗi dịp Tết.
Hình ảnh chương trình
Mùa Tết được xem là mùa đắt show của sân khấu âm nhạc, kịch nhưng lại không phải là thời điểm vàng của cải lương. Thế nhưng sau Tết, vào lễ Kỳ Yên (bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch), các đình chùa tổ chức cúng bái nhiều nên nghệ sĩ cải lương trở nên bận rộn. Trong Làng Hài Mở Hội Mừng Xuân, MC Đình Toàn có dịp giao lưu, trò chuyện với nữ soạn giả Tô Thiên Kiều để hiểu thêm về hoạt động thú vị này, cũng như nỗi trăn trở của các nghệ sĩ cải lương đi hát cúng đình vào mỗi dịp Tết.
Tô Thiên Kiều sinh năm 1973, sinh ra tại vùng đất Cần Đước, Long An (nơi nổi tiếng về đờn ca tài tử), chị có cha và chú đều là soạn giả cải lương, vì thế, ngay từ nhỏ, Tô Thiên Kiều đã được truyền cho đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống và công việc viết lách. Được biết, cha của Tô Thiên Kiều là Linh Quân, một soạn giả tên tuổi trong giới sân khấu cải lương – người đã sống một cuộc đời đầy nghệ thuật khi cùng hợp tác và viết kịch bản cùng những soạn giả lớn như Hà Triều – Hoa Phượng.
Nghệ sĩ Tô Thiên Kiều cho biết “mùa hát cúng đình” thường tập trung vào cuối tháng giêng và đầu tháng 2 âm lịch, vậy mà xuất diễn nào cũng đông chật khán giả. Những vở diễn sau càng thu hút được số lượng người xem nhiều hơn. Cái không khí vừa tưng bừng vừa trang trọng đó, cứ diễn đi diễn lại, năm này sang năm khác:
“Những nghệ sĩ hát cúng đình sẽ hát những vở tuồng rất dài, 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng là một vở tuồng tiêu chuẩn và tùy đình có chỗ một vở hát 6 đến 8 tiếng. Nghệ sĩ hát đêm cho đến sáng. Khán giả xem, trải chiếu ngủ nhiều giấc mà khi thức dậy tuồng vẫn chưa vãn”, Tô Thiên Kiều nói.
Bên cạnh hình ảnh trang nghiêm của các nghệ sĩ khi hát chầu, Tô Thiên Kiều tiết lộ để những vở chầu được dài ra một luật bất thành văn là các nghệ sĩ tự phăng lời nói theo các tình huống, theo cảm xúc… gọi là hát cương.
Cô cho biết: “Những người nghệ sĩ có nghề hát cương, hát chầu rất giỏi bởi họ làm luôn công tác của người đạo diễn, tác giả như đặt để bài nào vào tình huống nào cho đúng”. Mỗi công việc, mỗi người nghệ sĩ phải có sự đặc thù khác nhau dù không tập luyện thì trước đó cần có bản lĩnh lớn sân khấu và dày dặn kinh nghiệm. Điều đó không ai tự nhiên có phải, các nghệ sĩ được rèn luyện rất nhiều qua các vở cúng đình hằng năm.
Tập 10, chủ đề “Vui như Tết” còn gồm phần Tiểu phẩm hài Về quê vui Tết do các nghệ sĩ cải lương Điền Trung, Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thy, Tô Thiên Kiều, Lê Hùng. Cặp đôi Tô Thiên Kiều – Lê Hùng hóa thân thành cặp vợ chồng bầu gánh hát cải lương vô tình gặp lại những đồng nghiệp trong gánh hát cũ… nhưng giờ họ bỗng “sang hơn với một lối sống rởm đời nhuốm đầy tệ nạn cùng tứ đổ tường”.
Khán giả còn được sống trong bầu không khí ngập tràn âm nhạc của mùa Xuân với các tiết mục âm nhạc: Ngày Tết Việt Nam (Đông Đào, Dương Kim Ánh), Như hoa mùa xuân (Nam Cường), Mừng nắng xuân về (Minh Sang, Khắc Minh, Vũ Phương, Trương Diễm, Ngọc Trâm), Tân cổ Ngọt ngào tình thắm duyên xuân (Hồng Phượng).
Với không gian gợi lại ký ức của những ngày Tết xưa, những bản nhạc xuân, những câu chuyện hài hước sẽ làm sống lại những kỷ niệm tưởng chừng phôi pha theo năm tháng. Không khí lễ hội tưng bừng mang đậm sắc màu dân tộc Việt Nam với Làng Hài Mở Hội Mừng Xuân, chủ đề “Vui như Tết” phát sóng vào lúc 21 giờ thứ tư ngày 30/1/2020 (tức mùng 6 Tết) trên THVL1.
Nam Sinh