[NIU] –Cơ hội cho ai – Whose Chance là chương trình truyền hình thực tế về việc làm đầu tiên ở Việt Nam theo chuẩn quốc tế, tạo ra những buổi phỏng vấn thật về công việc, mức lương, các chế độ đãi ngộ giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng trên sóng truyền hình quốc gia.
Dẫn dắt chương trình là MC Lại Văn Sâm và 6 Sếp, những lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu. Họ không chỉ mang đến nhiều cơ hội việc làm mà họ còn tranh giành gắt gao để thu hút nhân tài.
MC Lại Văn Sâm và các nhà tuyển dụng quyền lực của chương trình
Từ trái sang: ông Vũ Mạnh Hùng (Chủ tịch HDQT TGD Tập đoàn Hùng Nhơn); ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Software); ông Phạm Thanh Hưng (Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup); MC Lại Văn Sâm; ông Phùng Tuấn Hà (Chủ tịch HĐQT PETROSETCO; bà Lưu Nga (TGĐ Thời trang Elise); ông Ngô Hoàng Gia Khánh (thành viên thường trực HĐQT Tập đoàn Tiki);.
Nhân tố mới xuất hiện gần đây trong chương trình: ông Trần Quí Thanh- Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát.
Sau 6 tập lên sóng, Cơ hội cho ai – Whose Chance đã được hàng ngàn bạn trẻ háo hức đón xem. Mỗi tập đăng lại trên kênh YouTube – ALO Media Entertainment đều thu hút rất nhiều bình luận thú vị. Chương trình này có gì mà hấp dẫn đến thế?
Những chí hướng và cá tính đầy bất ngờ
Đối diện với các “ông lớn” là các bạn trẻ ở đủ trình độ và kinh nghiệm. Có bạn vừa ra trường nhưng đầy bản lĩnh, có người đã là chuyên viên cấp cao nhiều năm, làm việc ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Đáng nói là mỗi ứng viên có ước mơ và cá tính đặc sắc. Các Sếp lẫn khán giả đã từng cảm phục trước Mai Lý – chàng kỹ sư môi trường, chân chất, giỏi chuyên môn nhưng khó thể ngờ lại mang sự nghiệp của mình gắn vào chặt vào một hoài bão vì cộng đồng, hay mến mộ cô bạn Phan Thị Ý Nhi với nghị lực phi thường, mãnh mẽ vượt qua chứng trầm cảm trong quá khứ để nắm bắt tương lai bằng loạt câu trả lời thuyết phục, những câu hỏi thông minh và bảng thành tích khủng.
Mai Lý (áo đen) có một tâm hồn đáng mến
Cách khai thác cá tính ứng viên độc đáo thông qua các tình huống hài hước
Chương trình cũng không hiếm những khoảnh khắc “tình bể bình”. Như chàng trai đến từ Hà Nội, Trần Quốc Tuấn, 34 tuổi, giàu kinh nghiệm và nhạy bén trong kinh doanh, có sự rắn rỏi được tôi luyện từ 6 năm trong quân đội nhưng khi cần đưa ra quyết định cuối cùng, anh lại quay sang hỏi ý kiến vợ đầy ấm áp.
Lương không là yếu tố quyết định cơ hội thuộc về ai?
Không phải cứ trả lương cao là “chiêu dụ” được nhân tài. Mức lương đề xuất bí mật của ứng viên phải thấp hơn hoặc bằng với mức lương mà các sếp đề nghị thì đôi bên mới được “về chung một nhà”. Nếu định giá không chuẩn thì cả sếp lẫn ứng viên đều đánh mất cơ hội của mình. Đã có bạn phải ngậm ngùi ra về đầy tiếc nuối.
Sếp Tiến thường đưa ra nhiều góc nhìn dí dỏm
Thú vị là khi gặp ứng viên tiềm năng, các Sếp cũng không ngần ngại cạnh tranh công khai. Vũ khí của các “cao thủ thương lượng” này không chỉ là lương mà còn là môi trường làm việc, khả năng thăng tiến, chế độ đào tạo, làm việc tại nước ngoài và nhiều phúc lợi hấp dẫn khác. Thậm chí, cơ hội thoát “ế” cũng được Sếp Tiến tận dụng triệt để.
Những biến số thú vị
Một câu hỏi cũng có thể làm xoay chuyển quyết định của các Sếp. Loạt đèn đỏ (không chọn), đèn vàng (lưỡng lự) đã từng đồng loạt chuyển sang màu xanh (chọn) trong tích tắc. Thậm chí, trước cùng một ứng viên nhưng vị trí mà các sếp đề xuất lại khác nhau như giám đốc, trưởng nhóm, chuyên viên, nhân viên, trợ lý giám đốc…
Chưa kể, các sếp còn định lương dựa trên năng lực, dù cùng ở vạch xuất phát là sinh viên mới tốt nghiệp nhưng có bạn đã được tuyển dụng với mức lương ngàn đô nhưng có người chỉ ở mức 5 – 7 triệu. Với những bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, các Sếp sẵn sàng đưa ra mức thu nhập hơn 40 triệu. Thú vị hơn nữa, các Sếp cũng bị ứng viên phỏng vấn ngược lại.
Những ánh đèn quyền lực
Nụ cười vỡ òa của ứng viên
MC Lại Văn Sâm cũng không ít lần đứng ra “đỡ lời” cho cho các bạn ứng viên hay ngầm ra hiệu để các Sếp trả mức lương tốt hơn hay tạo ra những cái kết vỡ òa. Đơn cử như, Sếp Hưng từng đếm số bước chân của “MC quốc dân” này để đoán mức lương mà ứng viên đề xuất.
Phát ngôn cực “thấm” của các “cao thủ thương lượng”
Cách phỏng vấn, thương lượng hài hước nhưng đầy sắc bén cùng hàng loạt phát ngôn cực “thấm” của 6 Sếp cũng là phần khiến khán giả thích thú và gặt hái được kinh nghiệm phỏng vấn cho mình.
Sếp Khánh từng chia sẻ bí quyết thành công:“Cho dù bạn đến tổ chức nào hay công ty nào, chỉ cần bạn giữ được cái nhiệt huyết, sự ham học hỏi và một chút khiêm nhường thì mình sẽ thành công”.
Khi nhận xét về một thí sinh học trái ngành, Sếp Tiến thẳng thắn nói: “Bạn có 4 năm học đại học, chuyện học nhầm ngành là bình thường. Người ta học đại học không phải vì chuyên môn nào đấy, đại học là học phương pháp làm việc”.
Bằng câu nói này Sếp Hà đã ký kết thành công với ứng viên có bàng thành tích “khủng”: “Nỗi sợ hãi đôi lúc sẽ giúp cho mình làm nên được sự nghiệp”.
Nam Sinh